Thứ Bảy, tháng 5 31, 2008

Ngày cuối tháng

Cuối tháng, cuối tuần và một mình xa nhà. Nó ngồi mạng đọc và post bài nhiều hơn ngày thường. Xem lại những gì còn sót của tháng chưa ghi lại.

Ngày 19.05
Nó gửi mail nhắc nhân sự về sinh nhật của MinhHC (còn gọi là Minh "Râu"). Chị trưởng phòng tài chính công ty nó cứ băn khoăn mãi, sao chưa được gặp ( và phát lương ) cho MinhHC bao giờ cả.

Ngày 20.05
Một ngày đặc biệt. Nó chính thức "join the Red". Cứ nghĩ số tiền ít ỏi của nó sang tận châu Phi,  nó thấy vui vui. Bây giờ, nó nghĩ đến hình ảnh 1 em bé da đen, tay cầm 1 que kem nó mua cho, nhoẻn miệng cười. Nó biết mình chỉ mơ mộng vì một viên đạn ở đó còn rẻ hơn một que kem. Giới buôn vũ khí lại chỉ toàn tỷ phú mỹ kim trở lên. 
(Số tiền nó đóng góp hôm ấy, thực ra không dùng để mua kem, mà dùng để đổi thành 42 liều thuốc tiêm đơn, ngăn truyền HIV từ mẹ sang con.)

Nghĩ đến đó, nó đứng dậy, ra mở tủ lạnh lấy một cốc kem Haagen - Dazs ăn. Một hộp 6 cốc kem bằng 2 yến (20kg) gạo ngon mẹ nó mua mỗi tháng cho cả nhà.

Kem trà xanh không ngon như mọi ngày.

Khoe con...


Tôi hoàn thành việc khoe chiến công của con trai cả mình cho hầu hết các chiến hữu xa nhà bên Nhật này cùng làm với mình. 
Hôm nay, lên đây tiếp tục khoe.

Chiến công đầu tiên của con trai khi còn đang rất nhỏ, tô màu và được bằng khen của tòa báo.
Bố tự hào về con trai. Bố thích con gấu màu tím mà con tô lắm. Gấu tím đẹp thật.




Bằng khen và quà là một kỷ niệm đẹp cho con. Chắc con cũng chưa biết là ai làm và gửi đến tòa soạn đều được bằng khen và quà đâu nhi?



Một bí mật nhỏ của bố đấy. Mọi người khen con giỏi nhưng cũng là xã giao thôi. Bố chỉ luôn tự hào về con trai của bố có những bước tham gia với cộng đồng từ sớm.

Chợt, điệu nhạc của Baby Face vang lên trong căn phòng nhỏ:

"... It 's not about the stupid things that we say 
We're always saying stupid things anyway
It's not about the secretcy of the lies
Everybody 's got a secret to hide..."

Back home in Osaka


Lên Shinkansen, về đến nhà ở Osaka sau 2 lần chuyển tàu nữa. Đúng 0.19 phút.
Suốt từ hôm sang Nhật đến giờ, gần như lúc nào cũng ở / làm và chơi với một ai đó. Bây giờ thì Osaka này, ta có 1 mình, không có ai xung quanh cả. Thấy thích thích.

Tự dưng thấy, Tokyo chẳng hóa đông đúc và ồn ào quá chăng? Ghét ghét ghê. Thảo nào chẳng ở lâu được.

Chợt nghĩ, còn cái gì để thích thích, ghét ghét cũng là một thứ sở hữu, cứ tưởng mình là quần chúng vô sản./


Thứ Sáu, tháng 5 30, 2008

Tokyo tattoo và 48

Hôm nay tôi đi công tác Tokyo. 4.30 am sáng đã dậy, ăn sáng rồi lục tục đi 3 ga, để chuyển tầu tại Shin-Osaka lên Shinkansen. Khoảng 9.00 am, đã đến văn phòng công ty tại Tokyo. Sau đó đi chào hỏi khách hàng.

Tuyến Yamanote đi qua 3 ga nổi tiếng ăn chơi, thời trang là Shibuya, Harajuku và Shinjuku. Thời trang 48 ra đời cũng là một cách thông minh mà ông bạn hàng Nhật của chúng tôi chơi chữ "mã hóa" 4 (Shi) va 8 (Hara), tức là chữ cái đầu của Shibuya và Harajuku.

Tầu tuyến này giờ nào cũng chật ních người, toàn salary men và đặc biệt giới trẻ sành điệu đi chơi mua sắm đồ. Tôi dừng mắt lại một đôi Nam - Nữ (rất rất sành điệu) đặc biệt, trên cánh tay trần của cô gái có hình xăm rất lớn, kiểu như một con rồng vờn mây. Các cụ nhà ta có câu “cơm Tàu, vợ Nhật…” xem chừng không còn đúng với bối cảnh nước Nhật ngày nay nữa rồi. Hình xăm đó cũng bắt nguồn cho 1 đoạn hội thoại rất thú vị trên chuyến tàu đó:

Em: "Xăm thế này, có người xăm tên người yêu đấy. Sau không yêu anh ấy nữa thì xóa đi làm sau được".

Anh: "Xóa được nhưng có sẹo, lại phải là sẹo, đau đấy. Hay dùng đại từ thôi, kiểu như [Tôi yêu anh ấy], thế nào cũng đúng :D"

Em: "Không được, không có ý nghĩa, với lại xăm to như thế thì không xóa được đâu???"

Anh: "Vậy thì xăm tên người yêu vào đâu đấy, để không ai nhìn thấy? Vào đâu bây giờ nhỉ? Chẳng nhẽ lại vào m***"

Tôi: "Hãy xăm trong tim ấy, chẳng phải xóa mà cũng không ai biết đâu, ngoài mình ra".

Thứ Ba, tháng 5 27, 2008

Tập viết...

Tôi có may mắn được tham gia phỏng vấn tuyển dụng người vào làm việc ở công ty cũng phải đến hơn trăm nhân viên. Người Việt Nam có, châu Âu có, Ấn có, Nhật bản cũng có. Cả các em mới ra trường đến các anh, chị có nhiều năm kinh nghiệm làm việc.
Với các em mới ra trường mà tâm sự muốn đi học cao học, tôi thường khuyên các em nên đi làm 2 -3 năm để xác định mình thực sự muốn làm gì và như thế sẽ quyết định học gì cho phù hợp với con đường sự nghiệp mình đã chọn. Nhiều em đã đồng ý và làm theo như vậy.
Cứ 3 năm, tôi lại dành 1 ngày để xem lại những gì mình làm xấu - tốt ra sao, thay đổi gì để làm tốt hơn, biết nhiều hơn và đặc biệt, mình cần học gì? Sau 3 năm đầu, tôi muốn trở thành lập trình viên chuyên nghiệp. Một tá các lọai bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn được tôi sưu tập qua các lớp học và các kì thi. Sau 3 năm tiếp theo, tôi muốn làm quản trị dự án và business cao cấp. Một vài khóa học thêm và vài mảnh bằng/chứng chỉ nữa. Vẫn chưa tham gia vào 1 lớp học full-time chính thức nào quá 15 ngày cả. Cho đến giờ, tôi coi môi trường làm việc luôn thay đổi, sáng tạo là một trường học lớn và bổ ích nhất.
Cách đây chừng 1 năm có lẻ, tôi bảo với vợ: "Nếu nghỉ việc một thời gian đi học, có lẽ anh sẽ đi học viết ở một khoa văn của trường Đại học nào đó". Đến giờ, tôi vẫn chưa đi học chỉ có điều viết linh tinh nhiều hơn, ép chữ và ẩn nghĩa một cách thô bạo.
Hồi cấp 3, lớp chỉ có 2 học sinh giỏi toàn diện. Tôi là một. Toán toàn 9.5 đến 10.00 còn văn vừa xoẳn 6.5 do được vớt lên để lớp lấy thành tích với trường.

Thứ Hai, tháng 5 26, 2008

Đoản khúc đêm...

Đêm nay lại khó ngủ vì đã chót dại chợp mắt sau bữa tối. Nghĩ đến Umeshu. Rượu Umeshu của Nhật làm từ quả mai, hương lẫn vị đều dịu dàng, còn có tên là nước hoa quả có cồn, uống vào thì thấy nhẹ hơn hoặc cũng chỉ bằng với bia. Thứ nước uống này hay được gắn cho phái nữ vì đàn ông, dù có thích được chiều chuộng nhẹ nhàng nhưng luôn không muốn thừa nhận mình chỉ quen và uống được mỗi Umeshu, thay cho vài cái tên nặng đô và ấn tượng như Tequilla, Vodka, Wishky, dân tộc hơn thì có Lúa Mới 49% Hà Nội. Chắc do sợ không được khoác tấm áo choàng "phái mạnh" lên người theo nghĩa đen.

Mở tủ lạnh, làm một ngụm đã!

Tôi thích Umeshu. Có lần, cũng vào lúc chớm sáng đêm thế này, tôi tâm sự với bạn tôi rằng khi say thì tôi không chịu trách nhiệm về hành động và lời nói của mình.

Chủ Nhật, tháng 5 25, 2008

Tuổi Wii (đọc phát âm là Vi nhé)


Thế giới công nghệ hàng ngày, hàng giờ đều có những bước tiến vượt trội. Và về trò chơi điện tử thì không ai có thể bàn cãi được về vị trí số một trên thế giới của Nhật Bản. Vị trí được khẳng định từ lâu với các tên tuổi như Sega (đã vào dĩ vãng???), Sony (với loạt sản phẩm PS1, PS2 và PS3 hay PSP), Nintendo (với Gamecube, Nintendo DS, DS Lite và Wii), etc. Tất cả đều để phục vụ nhu cầu giải trí điện tử ngày càng tăng của con người. Tôi may mắn có cơ hội sử dụng hay sở hữu hầu hết các dòng sản phẩm điện tử trên từ khi bé cho đến lớn nhưng đôi khi vẫn không tránh khỏi lạc hậu với xu hướng công nghệ của ngành công nghiệp giải trí kỹ thuật cao này khi phải lao đầu trong cuộc sống cơm áo gạo tiền và các thú vui công nghệ khác như laptop, PDA, smartPhone suốt một vài năm qua.

Lần này, tôi quyết định sắm Nintendo Wii cho mình, bộ máy game đã tạo một hiện tượng, một bước ngoặt trong làng giải trí này. Wii xuất hiện trên thị trường cách đây khoảng hơn 1.5 năm (tầm tháng 11.2006) và gây tiếng vang lớn về công nghệ giao tiếp mới với thế giới Game giữa người chơi với trò chơi. Giao tiếp hoàn toàn không dây, và không chỉ còn các nút bấm thông thường nữa mà các tế bào cảm ứng (sensor) trên bộ điều khiển sẽ vào cuộc, bắt người chơi phải vận động về thể lực một cách vật lý như trong đối tượng của mình trong trò chơi. Một cách tiếp cận rất khoa học nhân văn với thế giới ảo, vừa chơi điện tử, lại vừa vận động thể lực, không bị ngồi ỳ 1 chỗ, một điểm cực kỳ xấu bị các phụ huynh phản đối nhất trong các game truyền thống trước kia. Mặc dù có trên thị trường khá lâu, và rất thành công ngay từ những bước đầu, nhưng thực sự chỉ khi có rất nhiều games và đồ phụ trợ cho Wii được tung ra, Wii mới thực sự thâm nhập sâu hơn vào xã hội con người, đặc biệt ở Nhật Bản, khi mọi người hầu như ai cũng ngại ngùng việc giao tiếp trong thế giới thật, thích khám phá và dành thời gian cho cuộc sống trong thế giới ảo nhiều hơn.

Tôi còn nhớ, 1 năm sau khi Wii được tung ra thị trường, bộ phụ kiện Wii FIT cũng ra đời (~10.2007), đánh dấu một bước chuyển nữa về việc sử dụng Nintendo phục vụ cho theo dõi sức khỏe và chế độ tập luyện của con người. Thị trường người dùng được mở rộng ra, không chỉ là trẻ con, các teen hay những geeks chơi nữa, mọi thành viên trong gia đình, người già, phụ nữ đều có thể tham gia cuộc chơi. Những chỉ số sức khỏe được theo dõi đo đạc kỹ lưỡng, những mục tiêu luyện tập sức khỏe được đặt ra, những bài tập yoga, lắc vòng, cân bằng cơ thể, etc được bố trí để người chơi/tập có thể thực hiện hàng ngày, mọi lúc, ngay trong ngôi nhà chật hẹp của mình.

Con người ta bắt đầu sống với thế giới ảo trong mạng máy tính từ khá lâu, ví dụ như second life, etc nhưng để "chạm" được đến từng người, từng thành viên gia đình, từng hoạt động vật lý của cơ thể họ thì Wii và WiiFIT mới là người tiên phong. Không chỉ còn những nhân vật đơn thuần là sản phẩm của bộ óc tưởng tượng của người chơi, nhân vật trở nên gần gũi hơn, gắn với cơ thể vật lý của người chơi chặt chẽ hơn.

Trước đây, khi gặp nhau, chúng tôi có thể hay hỏi nhau về tuổi tác (để biết cách xưng hô) về tuổi nghề/tuổi thợ (để áng chừng được kinh nghiệm trong công việc), đôi khi còn nhận xét so sánh về tuổi đời thực tế với tuổi đời của dáng mạo bên ngoài, vị trí công việc mang lại. Còn bây giờ, chúng tôi còn hỏi nhau về một thứ tuổi mới, tuổi Wii, thứ tuổi mà WiiFIT đánh giá cho cái nhân vật tôi của người chơi thông qua các chỉ số sức khỏe mà nó đo đạc và kiểm soát được (theo hệ thống BMI: Body Mass Index).

Hiện giờ tôi có tuổi nghề là 10 năm, tuổi mọi người đoán qua tiếp xúc bên ngoài trung bình là 45, tuổi Wii là 41, và tuổi thực thì còn kém xa dáng vẻ bề ngoài ấy hơn cả chục năm. :D

Thứ Sáu, tháng 5 23, 2008

Kawaii (可愛い)


Hôm nay cuối tuần, ngồi rảnh rỗi lôi ít tạp chí ra đọc, vớ ngay cuốn tạp chí phát miễn phí cho mọi người (nước ngoài) tại Osaka (tên là Kansai Scene). Tạp chí đăng bài bằng tiếng Anh nên cũng khá dễ hiểu. Nhớ lại hôm trước vừa có dùng 1 vài câu tiếng Anh để giải thích cho 1 người bạn Nhật, chợt thấy chuyển ngữ Anh - Việt của mình ko được nhạy và bén như xưa. Đành lôi ra dịch xuôi 1 phát xem sao, ôn 1 chút về ngôn ngữ mình yêu quý đang dần dần ra khỏi đầu nhường chỗ cho thứ tiếng Nhật rối rắm.
Bài viết về 1 từ rất hay dùng trong tiếng Nhật, có lẽ đã được quốc tế hóa, phải chăng cũng đến lúc vào từ điển tiếng Anh thông dụng trên thế giới được rồi.

Kawaii!!!!!

Ở Nhật Bản, những nhân vật hoạt hình ma quỷ xấu xí và nhỏ nhắn, những nhân vật khiêu gợi, mèo Kitty, ngôi sao nhạc nhẹ, những bé con, và tất cả những gì như thế đều có thể được gắn với từ kawaii.  Thông thường, kawaii được chuyển nghĩa thành kháu khỉnh ("cute") thôi thì không hoàn toàn chính xác vì không truyền tải được âm hưởng văn hóa trong nó. Vậy thì, nó là gì? đến từ đâu, và người ta nói gì về ý nghĩa cố hữu của nội tại từ "kawaii"?

Kể từ những năm 1970, kawaii ngày càng quan trọng như một vũ khí bán hàng cho ngành công nghiệp Nhật Bản. Mọi thứ từ quần áo, đồ ăn, vật dụng gia đình được trang điểm với một mô-típ "kháu khỉnh" thì có thể bán được dễ dàng hơn nhiều so với những họa tiết chỉnh chu. Điều này giải thích vì sao văn hóa kawaii lan rộng rất nhanh ở Nhật. Cho đến giờ, sau hơn 30 năm từ khi xuất hiện các sản phẩm kawaii, không ai còn nghĩ rằng đây chỉ là 1 cách marketing dùng thu hút đại chúng ngắn ngủi nữa.

Kawaii còn đang tạo riêng mình một hệ thống ngôn ngữ kèm theo: kimokawaii là một từ ghép giữa kimochiwarui (xấu xa, nổi dậy) với kawaii để chỉ các nhân vật hoạt hình ma quỷ vừa xấu xí nhưng lại vừa kháu. Từ khác thì có erokawaii, được tạo ra bằng cách cộng từ "erotic" (gợi tình) với từ kawaii. Đây chính là sức thu hút mới của kawaii, chỉ cần ghép với 1 từ khác để có thành 1 từ mới ngay được.

Theo lệ thường, các xu hướng thời trang của Nhật sẽ có thể sang Châu Âu và Mỹ sau khoảng 1 hoặc 2 năm. Ngay cả những siêu phẩm như Hello Kitty hay Doremon cũng vậy. Ngày nay, ta có thể tìm thấy rất nhiều cả sản phẩm "kháu khỉnh" của Nhật không chỉ trong các cửa hàng của Nhật mà còn cả ở trong cả các cửa hàng của châu Âu nữa. Nhưng vì sao một xu hướng văn hóa rất thịnh hành lại không được tiếp nhận ở bên ngoài Nhật Bản vậy? Liệu đây có phải là một bằng chứng cho việc văn hóa kawaii đặc trưng cho Nhật Bản và vì thế, không thể chuyển thể cho các loại sản phầm và các nền văn hóa khác?

Kawaii không thể được dịch hoàn toàn sang ngôn ngữ phương Tây được. Chẳng thể tìm được từ nào trực nghĩa tương đương với nó cả. Người ta chỉ có thể tìm thấy khi tra kawaii trong từ điển từ là hàng loạt các từ mà bản thân chúng cũng mâu thuẫn lẫn nhau (kháu, quan trọng, xinh, đẹp ...). Trong tiếng Đức, từ kawaii lại thường được dịch là süß hay niedlich hay tiếng Anh là cute, những từ chỉ hay dùng khi nói về trẻ con. Vì thế, bộ quần áo kháu khỉnh thì thường chỉ dùng cho đồ vật của trẻ con chứ không dùng cho người lớn được. Ít ra thì có thể coi là 1 lý do vì sao thời trang nước Đức chưa tiếp nhận được thời trang Kawaii từ Nhật được.

Sự đa dạng về thời trang tại Nhật Bản vốn làm kinh ngạc hầu hết các du khách phương Tây, nhưng rõ ràng quan điểm trước chủ nghĩa cá nhân và giới tính đang bị hiểu nhầm. Ai cũng có thể nhận ra được rất nhiều người Nhật Bản dành thời gian rảnh rỗi của mình trong cửa hàng sách để đọc về các tạp chí thời trang. Nếu quan sát kỹ hơn nữa về thời trang Nhật Bản dành cho các bà các cô trẻ đẹp sẽ thấy sự phân loại khá rõ ràng, và tất cả, từ 1 góc độ nào đó, thì ảnh hưởng của kawaii.

Có thể thấy 3 phong cách chủ đạo cho chị em ở lứa tuổi 15 đến 30:

Phong cách "đàn chị"(お婦系)

Từ vựng này cũng mới ra đời (oneekei), mô tả dáng vẻ trưởng thành và lịch lãm. Những màu sắc thanh nhã đi kèm với các phụ trợ bằng vàng là đặc trưng. Thông thường, chị em lứa tuổi 20 trở lên thì chuộng mốt này. Sinh viên cũng có vẻ như sẵn sàng thay đổi toàn bộ tủ quần áo của mình trong thời gian nghỉ học kỳ trước khi bước vào năm thứ 4 đại học.

Nữ tính (ギヤル系)

Màu bóng bảy, phụ trợ cuốn hút, cùng với kiểu tóc ấn tượng là đặc trưng của phong cách này. Thông thường thì được dùng trong buổi tiệc tùng nhưng cũng có thể thấy ở các sinh viên hay những người làm nghề tự do (freeta). Xu hướng "erokawaii" dựng ra một ca-ta-lô mới cho phong cách này.

Thông tục (カジユアル系)

Bản thân từ này cũng đã giải thích lên phong cách của nó rồi - giầy thể thao, quần jean và áo phông chui đầu rộng với màu sắc nghiêm chỉnh.

Trên đây là toàn bộ 3 quy tắc chính trong phong cách thời trang của phụ nữ Nhật Bản. Mỗi phong cách sẽ có tạp chí riêng và các cửa hàng lớn riêng biệt, thậm chí là cả 1 tầng riêng trong siêu thị. Ngay cả giới mày râu cũng nhận ra được sự khác biệt đó. Điều này chứng tỏ thời trang Nhật không phải sự thể hiện của từng cá nhân mà cũng có thành tập hợp theo các phân khúc.

Khi hỏi một ai đó về nguồn gốc của các phái sinh kawaii ngày nay, tất cả mọi người đều đã trả lời là có từ một cô ca sĩ nổi tiếng của Nhật Bản Koda Kumi. Rất nhiều tạp chí tại Nhật đều đăng ảnh Kumi lên trang bìa dưới tiêu đề  "Kumi - phong cách độc lập, kháu khỉnh, sexy và  vô cùng gợi tình" (強さも、セクシーさも、かわいさも自由に表現する")

Tất nhiên, ngay cả những hợp nghĩa mới cũng không thể chuyển đổi đầy đủ sang được văn hóa phương Tây. Đặc biệt "sexy" và "kawaii" bởi vì khi đó kawaii thì luôn bị liên tưởng tính trẻ con,và dẫn đến mọi người hiểu nhầm sang phong cách thời trang Lolita. Lolita hiển nhiên không thể cùng một trường phái ý tưởng của phong cách erokawaii được.
 
Một mặt, ta có thể xem đây là một cuộc cách mạng trong thời trang Nhật Bản. Mới chỉ cách đây ít lâu, việc phụ nữ để lộ quá nhiều thân thể và mặc các nội y, sử dụng các đồ phụ trợ ấn tượng bị coi là lộ liễu nên xu hướng hiện tại cần được hiểu như là 1 bước tiến rồi. Mặt khác, có nên đặt thành câu hỏi khi những thiếu nữ trẻ chỉ chạy theo một kiểu thời trang như vậy bởi vì họ muốn mặc như thế.

Tạp chí cho phụ nữa thường có một mục cho giới mày râu bình phẩm về những phong cách mà họ ưa thích, qua đó cho thấy phụ nữ Nhật rất quan tâm đến ý kiến của phía bên kia.

Có thể còn có rất nhiều trường phái kawaii, nhưng so với những thiết bị trò chơi điện tử đời mới nhất, bình đẳng và cá nhân hóa còn cần nhiều thời gian hơn nữa để lan tỏa khắp cả nước.

(Sina Umi Wagner - Tranh minh họa: Yoko)

Thứ Năm, tháng 5 22, 2008

Lãng đãng Kyoto...


Càng gần cái đích ta mong
Càng xa cái chốn mà lòng ta yêu 
(Đoàn Thị Lam Luyến)

Hai câu thơ trên gợi nên nhiều hình ảnh trong tôi về Kyoto. Giờ đây đã gần 2h sáng rồi. Thế là thêm 1 đêm nữa ở lại Kyoto để hôm sau đi gặp khách hàng sớm. Trong căn phòng khá tiện nghi của khu nhà パルハルミ, tôi lại lãng du và ngập ngụa trong kỷ niệm ở đây. Tôi tự hỏi, không hiểu mình đang đi kiếm tìm cái gì ở đất nước Mặt Trời mọc này? Tiền? Danh vọng? Hạnh phúc? hay là trải nghiệm mới? Tự vấn lại thấy mình dường như cái gì cũng có 1 chút và cái gì cũng thiếu 1 chút nhỉ? 
Tôi đã quyết định mình phải đi, phải học và phải trải nghiệm bằng thực tế cuộc sống ở Nhật, thế thôi. Tôi không muốn bị trói buộc trong bất cứ thứ gì sẵn có hay có sẵn, càng không muốn bị trói buộc bởi ngay chính những suy nghĩ quẩn quanh, lởn vởn trong đầu của mình. Tôi luyện được "thần kinh thép" là thứ tôi cần để đi qua những ngày mệt mỏi này. Tôi không muốn phụ thuộc và sẽ không phụ thuộc. Tôi cần tự do của tôi. Con đường trước mắt vẫn còn dài, tôi sẽ vẫn đi, vẫn đôi lúc loanh quanh luẩn quẩn, nhưng chắc chắn rằng một điều luôn đúng là tôi sẽ không dừng bước...

Chủ Nhật, tháng 5 18, 2008

Geisha in Osaka - 大阪の芸者


Tôi bắt đầu cuộc sống lâu dài của mình tại Nhật chỉ với 1 công việc của công ty mà hành trang về văn hóa ở Osaka gần như không hề biết gì vì ngôn ngữ đang còn là 1 rào cản lớn cho tôi. Tuy nhiên, khi đã có mong ước khám phá thì kiểu gì mà chẳng làm được.

Tôi sống gần con phố mua sắm có mái che sầm uất và dài nhất ở Osaka (và có thể nói là dài nhất Nhật Bản cũng được) - Nó gọi là Tenjinbashi Shotengai(天神橋 商店街).

Tình cờ hôm vừa rồi đi làm về sớm, khoảng 19.00 thấy một bộ Kimono lướt qua đường , đi ra từ 1 chiếc xe sang trọng, buột miệng thốt lên Geisha à...

"Nhưng thực ra Geisha thì mặt phải trắng toát cơ. Mặc Kimono thôi anh ơi", cô bé đi cùng đáp lại.


(ảnh chỉ có tính chất minh họa - Maiko) :D

Nhưng đúng là Osaka và Kyoto rất nổi tiếng về Geisha, một nét truyền thống trong văn hóa của Nhật. Ở khu vực này, người ta gọi Geisha là Geiko, tiếng Việt thì không biết tìm từ gì cho thích hợp, chắc chỉ có từ kỹ nữ có thể phản ánh được đúng nhất nhỉ?
Theo định nghĩa thì Geiko chính là những chuyên gia giải trí, rất giỏi cầm - kỳ - thi - họa, đặc biệt tiếp chuyện với khách đến vô cùng tận được.

Tôi từng đến Kyoto, ở đó nhiều lần, ghé qua Gion vài lần. Gion - Kyoto vốn vẫn được coi là cái nôi của Geisha tại Nhật, Geisha chính thống. Ờ thì ở Osaka cũng là chính thống đấy, nhưng cộng đồng Geiko ở đây đặc biệt hơn, họ nói tiếng vùng thổ ngữ Osaka.
Có 4 khu vực khá lớn ở Osaka, mà mọi người sẽ có thể hay bắt gặp Geiko. Đó là Shinmachi, Horie, Nanchi và Kitashinchi. Kitashinchi thì rất gần chỗ tôi ở, chỉ cách 1 ga nếu đi Tozai line (mất khoảng 3 phút) hoặc là đi bộ thì tối đa cũng chỉ 15 phút. Kitashinchi thì rất nổi tiếng với các nightclubs, quán bar đêm, nhưng lại không phải là nơi tập trung của giới trẻ như Nanchi mà chủ yếu dành cho các business men đến giải trí, nhậu nhẹt với các khách hàng của mình . (Tất nhiên, trẻ nhưng có tiền thích làm businessmen thì vẫn đến được). Tôi lục lọi thông tin một chút trên internet thì được biết ở đây chính là cộng đồng Geisha lớn nhất trong 4 khu vực của Osaka với 15 kỹ nữ, còn Nanchi chỉ có 6 nhưng tập trung tiếp khách vào 1 nhà (gọi là trà quán - teahouse - 茶屋). Ngoài ra, lệ thường là các Geiko thường sống với nhau vào 1 cùng 1 nơi(Oki-ya 置屋) và chỉ có 1 bà cô già Obachan trông nom, chăm sóc thôi, tuyệt đối không có đàn ông sống ở đó (lý thuyết thì là thế, ko biết giờ thì thế nào rồi).

Để trở thành Geiko thì cũng phải mất tầm hơn 5 - 7 năm. Mới vào thì chỉ học việc, pha trà , điếu đóm cho các cụ thôi. Lúc đó thì gọi là Maiko. Rồi được nâng cấp dần dần thông qua cách cuốn tóc và độ dài của ống tay áo kimono. Ngoài ra còn có cái gì đó liên quan đến áo choàng ở lưng nữa do người bạn đi ngồi với geisha kể lại, tôi cũng ko nhớ rõ nữa. Khi chuyển ngữ sang Kỹ nữ Geisha và trước khi có sự ra đời của bộ phim và sách dịch Hồi kí một Geisha (Memoirs of a Geisha), thì ở Việt Nam thường coi Geisha là một đạo gì đó rất cao quý (ít ra là tôi từng gặp người nghĩ như vậy). Đến giờ thì cũng hiểu ra phần nào nhưng vẫn có người thì thái quá, coi Geisha không khác gì gái bán hoa, đứng đường, là "cái mâm sống" phủ đầy sashimi (cá tươi xát lát ăn sống luôn) để phục vụ các thực khách có dục tính "tao nhã" và một túi tiền nặng trĩu.

Tôi không đồng ý với cả 2 quan điểm thái quá như vậy. Tôi coi đó là một nét văn hóa của xã hội bị gò bó bởi nhiều lễ nghi như Nhật Bản và cũng bình thường như bao điều khác trong cuộc sống.

Phải xin trích lại với các bạn về sự khác nhau cơ bản giữa kỹ nữ và gái bán hoa trong văn học mà có lần tôi đọc ở đâu đó của 1 nhà văn trẻ, cũng lâu lâu rồi trên mạng. Chắc không vô ích để hiểu về chuyện kỹ nữ khác với gái bán hoa, mà ta còn hay gọi là đĩ, điếm, nói thế nào nhỉ? Cái khác nhau ở đây cũng giống như là khác nhau giữa cướp biển và ăn cắp vặt ấy. Cướp biển thì lấy nguyên cả con tàu, trong khi ăn cắp vặt chỉ nhặt nhạnh vài thứ lẻ tẻ người đời hở ra ngoài. Gái bán hoa thì mang thân mình đổi lấy vài xu lẻ trong khi kỹ nữ thì lột trần những người đàn ông và xé trái tim họ làm hàng trăm ngàn mảnh.

Ngẫm cũng thấy đúng cho thân phận kỹ nữ như Geisha ( hay Geiko) ở xứ Phù Tang này.

Thứ Năm, tháng 5 15, 2008

Hakuna Matana ( or ...1 vài phút hot head with music)


Hakuna Matana! What a wonderful phrase
Hakuna Matana! Ain't no passing craze

It means no worries for the rest of your days

It's our problem-free philosophy

Hakuna Matana!

Hakuna Matana?

Yeah. It's our motto!

What's a motto?

Nothing. What's a-motto with you?

Those two words will solve all your problems....

Đó là những lời mở đầu cho bài hát cùng tên với post này trong vở nhạc kịch Lion Kings nổi tiếng khắp Năm Châu. Tôi có dịp được thưởng thức vở nhạc kịch này tại London khoảng gần 8 năm về trước và giờ đây mỗi khi nhắc đến, không thể không thấy rạo rực trong lòng. Vẫn cảm xúc y như ngày nào với những nhân vật ngộ nghĩnh, vui tươi Simba, Timon hay Pumbaa, the Warthog tràn về, đánh đu trên những nốt nhạc trôi thoáng qua trong tâm trí lãng đãng của một đêm trắng. Sau đó, đôi lần tôi cũng từng nghĩ , thế nào cũng phải cùng gia đình mình đi UK và xem lại vở nhạc kịch này.
Hai từ Hakuna Matana được xem như là thần dược mang lại hạnh phúc, sự thoải mái 100% cho toàn bộ thế giới hoang dã trong vở kịch. Tôi phỏng đoán ngoài đời thật chắc cũng vậy.

Gặp một dòng code khó trong một chương trình đồ sộ. Hakuna Matana.
Gặp một thất bại trong cuộc sống. Hakuna Matana.
Gặp sự hiểu lầm sâu sắc của một người. Hakuna Matana.
Mâu thuẫn với người thân, lại nhờ đến Hakuna Matana

Dường như từng có thời tôi sống với thần dược ấy. Hakuna Matana và thuốc dẫn là âm nhạc.



Thôi nẫu!!! Làm gì có thứ thần dược nào như vậy trên đời này. Chỉ giỏi tự huyễn hoặc ra đấy à. Hàng ngày chẳng sống với một tý chất "nhờ nhờ" trên não và ít "bột trắng nhão" trong dạ dày đấy thôi sao.
Hóa ra, tôi chỉ vớ được Hakuna Matana rồi đem ra gói bọc lung tung cho những gì vẫn được nhận hàng ngày. Thậm chí rõ ràng cũng chẳng phải của mình mà tôi cũng đã hào sảng mang tặng một người bạn, hy vọng sẽ làm bạn ấy vui hơn, vững bước hơn trước khó khăn hiện tại của mình. Tôi đoán, cũng được một thoáng hiệu nghiệm, kiểu như người ta phê thuốc giảm đau mà thôi, chứ cũng có phải trị bệnh gì đâu nhỉ? Vết đau vẫn còn mà. Hôm nay, tôi biết mình là một thầy lang bốc thuốc tồi.
Cuộc sống không đơn giản để có thể kê đơn trị liệu như mỗi con người chúng ta vẫn nghĩ. La vida es complicada!
Khéo thuốc không bằng thầy hay. Có lẽ phương thuốc chỉ là cái cớ để các thầy chữa căn bệnh cuộc đời. Người này chữa cho người kia. Cứ vậy nối chạy vòng quanh tạo thành những nét gạch nối nhằng nhịt có cái tên mỹ miều là quan hệ xã hội. Các thầy cứ cần mẫn chữa chạy từng ngày, từng giờ rồi dần dần nó thành phản xạ có vô điều kiện từ khi nào không biết. Dù có được yêu cầu hay không, một người khi lạc vào trong đống gạch nối nhằng nhịt ấy đều tự tìm cho mình một (hoặc một vài) điểm trống để tiếp tục thuốc thang cho người ở bên kia đầu gạch nối. Thế nhưng có hôm trở giời, có những gạch nối bơ chơ lơ chẳng có ai, chẳng bù cho những nét gạch dài nối biết bao nhiêu con người. Nhìn vào cái mớ nhằng nhịt ấy, có nhẽ, chẳng có ai trong cuộc đời mà không bị vài cái gạch nối phết qua cả đâu.
Con người tạo ra cuộc sống và cuộc sống tạo ra con người. Vì thế độ phức tạp là như nhau. Hakuna Matana sẽ chỉ còn là cái cớ để con người tự giải phóng và làm đơn giản hóa mình. Như thế, họ đơn giản hóa cuộc sống xung quanh. Mà nếu đã vậy thì hãy cứ để Hakuna Matana là chính nó, là những triết lý cổ điển đánh đu trên những nốt nhạc mà thôi.
Chợt nhớ, có ai đó nói với tôi rằng âm nhạc chính là không khí, là oxy của cuộc sống. Tôi cũng đã, đang sống và nghĩ như vậy.

Thứ Ba, tháng 5 13, 2008

Nỗi nhớ...


Tôi có kế hoạch tuyển người địa phương vào cùng làm với văn phòng cho tôi. Yêu cầu từ chỗ rất cao siêu là người Nhật phải giao tiếp được tiếng Việt cho đến chỗ chỉ cần người Nhật đó yêu Việt Nam, muốn làm gì đó cho Việt Nam, cho mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Sau khi được giới thiệu từ một người đồng nghiệp Nhật Bản, hôm nay tôi quyết định gửi email trao đổi với một người Nhật biết tiếng Việt. Thoạt đầu tôi băn khoăn không biết nên gửi email đầu tiên bằng tiếng Việt (không dấu hay có dấu?), tiếng Anh hay tiếng Nhật đây? Cuối cùng hỏi cô bạn, tôi quyết định gửi bằng tiếng Việt không dấu, coi như một bài kiểm tra nho nhỏ.

From tôi:
Hello X-san
Toi la Y, lam viec cung cong ty voi Z-san o Vietnam. Hien tai toi sang Nhat phu trach van phong Osaka cua cong ty.
Toi rat mong muon duoc gap X-san de co hoi lam quen va neu duoc thi xin phep duoc trao doi ve mong muon hop tac cua cong ty chung toi.
Trong tuan nay thi ko biet  X -san co thoi gian nao ranh khong nhi?
Regards,

Tôi 
Và thật vui mừng thay tôi nhận được trả lời rất kịp thời như sau:

From her:

Xin chao anh Y,
         Em la X ,ban cua Z -san. 
Em rat vui vi duoc nhan e-mail cua anh.
Mot tuan truoc em moi sang Viet Nam choi ve.
Em nho Viet Nam lam!!
Trong tuan nay em ban roi.Tuan sao thi em co thoi gian.
Khi nao anh ranh thi anh bao truoc em  , em sap xep thoi gian duoc anh a!!
Em chao anh.
Em X

Tôi tự nhiên thấy rất vui. Một người Nhật đi chơi VN về nước và nói rằng "Em nhớ Viet Nam lắm!!".
Mình cũng giật mình nhìn lại vì không hiểu mình có nhớ Việt Nam không. May thay, câu trả lời là . Không chỉ vì mình có cả một gia đình lớn, vợ và 2 con trai nhỏ bé đáng yêu nên mình nhớ. Cũng không đơn thuần chỉ là nhớ tới những bạn bè, đồng nghiệp thân thiết vẫn sát cánh cùng Hình như có cái gì đó không rõ rệt là một người nào cụ thể , một vật gì cụ thể, một việc gì cụ thể... Hay thật đấy! Không biết đấy có phải là nỗi nhớ cố hương chăng? :D

Có người bạn tôi cũng ở nước ngoài, xa quê hương rất lâu và cũng chỉ có thể nhớ đến những con người cụ thể mà bạn ấy yêu quý, chứ không có cái gì gọi là nhớ quê hương chung chung, hay nhớ 1 đất nước chung chung nào cả. Bạn ấy chỉ có thể gắn nỗi nhớ của mình với một gương mặt, một con người cụ thể mà bạn ấy yêu quý thôi, kể cả là quê nhà.

Chỉ một câu nói nhỏ (Em nho VietNam) của một người nước ngoài nhưng có thể tạo một ấn tượng tuyệt vời cho tôi dù chưa gặp mặt và cũng sẽ không quá kỳ vọng gì (kinh nghiệm cho thấy thế rồi).

Dẫu sao tôi vẫn khấp khởi mong sớm được gặp X. Tôi đã hẹn chị ấy tuần sau rồi.

Đúng lúc đó, Bài hát "Giấc mơ trưa" của Giáng Son vang lên trong Itunes, làm lòng tôi hiu hắt nhớ...

Em nằm em nhớ
Một ngày trong veo
Một mùa nghiêng nghiêng
Cánh đồng xa mờ
Cánh cò nghiêng cuối trời
Em về nơi ấy
Một bờ vai xanh
Một dòng tóc xanh
Đó là chân trời
Hay là mưa cuối trời
Và gió theo em đi về con đường
Và nắng theo em trên dòng sông vắng
Mùa đã trôi đi những miền xanh thẳm
Người đã quên đi những lần em buồn
Từng dấu chân xưa trên đường em về
Giờ đã ra hoa những nhành hoa vắng
Người đã đi qua những lời em kể
Này giấc mơ trưa bao giờ em về?
Một tiếng chuông chùa
Này giấc mơ trưa bao giờ em về?
Một giấc mơ vắng



Đồng chí hướng...


Những người trong cùng đội ngũ, hàng ngày coi nhau là đồng nghiệp, lúc team building ngà ngà thì gọi nhau là đồng chí thì vẫn không hề đảm bảo đã cùng chí hướng thật. Những người dưng với nhau, quý nhau, thậm chí còn khác nhau về quốc tịch, màu da, thì lại có thể lúc nào cũng sát cánh để cùng đi bên nhau. Đời thật khó lường.

Chuyện là thế này. Tôi sang xây dựng văn phòng Osaka để phát triển hơn nữa business của công ty, mang lại giá trị hơn nữa cho khách hàng và cũng là phấn đấu vì một sự hưng thịnh hơn của nhiều kỹ sư trẻ VN. Hiện có 5 người thôi nhưng thực sự tôi vẫn chưa tìm được sự đồng nhịp. Tôi muốn anh em gặp mặt nhiều hơn, chia sẻ giúp nhau hơn, phấn đấu đẩy mạnh sự phát triển lên hơn.

Lần đầu gặp mặt sau giờ làm, khi mọi người từ các khách hàng quy tụ về, kết lại rất hả hê sau bữa team building ăn thịt nướng, cánh gà nướng ở 1 quán quen thuộc ở shotengai. Tôi vui mừng vì mình tìm được các đồng nghiệp mới nhiều kinh nghiệm trên nước Nhật.

Bẵng đi một thời gian phải về nước, khi quay lại đây, tôi định nhóm họp lại đều đặn hàng tuần. Thật đáng buồn khi tôi được nghe kể lại thế này:

B: Thứ 6 này về văn phòng họp team Osaka anh nhé.
A: Đi về văn phòng thì chi phí có được thanh toán không em? (chỉ ~ 300 Yen, i.e 15000 VND).
B: Có anh ạ. 6.30 tối anh về  văn phòng họp nhé.
A: Anh đi họp thế là ngoài giờ có được tính là tiền làm thêm giờ không em?
B: (biết nói gì nữa đây...)

(A là một kỹ sư phần mềm khoảng 5 - 7 năm kinh nghiệm, B là một em gái admin mới ra trường)

B tâm sự với tôi rằng em thấy buồn hẳn và không muốn nói thêm gì nữa. Em ấy không hiểu vì sao con người ta có thể chăm chăm kiếm tiền đến vậy (mà có nhiều nhặn gì đâu) mà quên đi sự đóng góp xây dựng công ty lớn mạnh hơn. Em bảo tôi rằng, lần trước về họp chỉ vì bữa ăn ngon của team building đấy thôi anh ạ.

Chuyện thật như đùa. Tôi cầu mong rằng đó là sự vui tính cuối giờ làm thôi. Tôi cũng chẳng biết giải thích gì với em gái nhỏ! Đồng chí hướng là như vậy đấy... Cũng là người Việt Nam, cũng đi sang Nhật làm kiếm tiền nhưng sao lại khác nhau quá vậy.

Nhớ lại bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu chúng tôi được học cách đây gần 15 năm. Còn đâu những san sẻ ngày đó nữa...

Quê hương anh nước mặn đồng chua 
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá 
Anh với tôi đôi người xa lạ 
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau. 
Súng bên súng, đầu sát bên đầu 
Đên rét chung chăn thành đôi tri kỷ 
Đồng chí! 

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày 
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay 
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính. 
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh, 
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi. 

Áo anh rách vai 
Quần tôi có vài mảnh vá 
Miệng cười buốt giá 
Chân không giày 
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay! 


Đêm nay rừng hoang sương muối 
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới 
Đầu súng trăng treo.

Thứ Hai, tháng 5 12, 2008

Sẽ không còn rào cản khi bạn có tấm lòng chân thành...


Tôi chân ướt chân ráo đến head office của công ty trên Tokyo để được đào tạo cấp tốc và đặc biệt về công ty trước khi xuống Osaka chính thức quản lý văn phòng. Chủ yếu là "put name to a face" của các cán bộ chủ chốt trong head office của công ty.

Trong head office thì có một em gái người Nhật, từng sống để học tiếng Việt 1 năm ở HCM. Em vào công ty từ những ngày đầu, đến nay cũng được hơn 1.5 năm rồi. Tôi được biết rằng cách đây một thời gian, em bị stress trong công việc và từng có ý định xin nghỉ khỏi công ty. Một trong lý do là em không chịu được áp lực từ người sếp trực tiếp của mình.

Hầu như tôi chưa từng có cơ hội gặp em trước đây, mà cũng chỉ có nghe nói hoặc đôi lần nhìn thấy ở đâu đó qua ảnh hay họp hành thôi. Trong lần này, tôi quyết định gặp riêng và nói chuyện với em.
Công việc trong 3 ngày ở Tokyo cũng khá nhiều và tôi chủ động để mình "bị động" về lịch làm việc và toàn bộ để phòng nhân sự công ty sắp xếp. Chính vì thế, để có thể hẹn gặp trước với em là không thể. Sau 1 meeting , tôi có thời gian trống và quyết định thực hiện việc gặp gỡ em gái đó. Tôi xin Siu-san skype ID của em ấy và rồi mời em ấy đi uống cafe, sử dụng thứ tiếng pha lẫn lộn Nhật, Anh và Việt của mình. Mọi người trong phòng nhân sự đánh cược rằng tôi không thể nào đột nhiên lôi em ấy ra ngoài trong giờ làm việc mà không có kế hoạch gì trước cả. Tôi đã thành công.

Thực sự tôi muốn em ấy thấy một hình ảnh Việt Nam khác đi, một hình ảnh "sếp" Việt Nam khác với những gì em ấy đang phải "chịu đựng"...
Chúng tôi đã nói chuyện rất thoải mái, dù không hoàn toàn tương đồng về ngôn ngữ. Tôi thấy hiểu và cảm thông với em hơn. Em thuê nhà sống một mình vì nhà bố mẹ ở xa công ty quá. Sống cũng buồn, không có bạn bè nhiều nữa. Hơn nữa, em cũng thất vọng về cách làm việc và con người Việt Nam trong công ty. Em ấy tâm sự nhiều lắm về chuyện công việc, chuyện riêng tư. Em thấy mệt mỏi vì công ty Việt Nam sử dụng người Nhật nhưng lại gây cảm giác người Nhật không được bình đẳng, không được chia sẻ những gì đang diễn ra. Em ấy nói có lẽ vì mọi người chỉ dùng tiếng Việt thôi, kể cả khi có mặt em và một số người Nhật khác trong công ty.

Tôi không động viên em hãy cố gắng hơn nữa vì để làm được như em đến giờ đã là một sự phi thường. Tôi trân trọng giá trị mà em ấy đem lại cho công ty, trân trọng giá trị cá nhân của em. Nhấp một ngụm cafe, nó dường như đắng hơn nhiều vì tôi vốn nghĩ rằng em phải yêu Việt Nam lắm mới có thể làm những việc như bây giờ, mới có thể nói tiếng Việt trôi chảy như bây giờ... Thế mà em ấy sợ làm việc với người Việt Nam, sợ sang Việt Nam, và càng sợ để mà không thể kết bạn hay yêu một người con trai Việt Nam nào cả. Không lẽ, ngoài việc hiện tại, em còn có kỷ niệm buồn nào trong thời gian ở Việt Nam nữa chăng?

Tôi đồng cảm với sự thiếu bình đẳng trong môi trường công việc mà em đang "chịu đựng". Tôi thầm mong một sự thay đổi, dù chỉ nhỏ thôi cho em. Tôi khuyến khích em thay đổi và làm những gì mình thực sự mong muốn. Công ty luôn sẵn sàng để tạo cơ hội đó cho em như bao thành viên khác.

Em hứa với tôi sẽ nói cho tôi biết đầu tiên trong công ty nếu em có "người yêu". Em cũng hứa sẽ nói cho tôi biết trước tiên nếu em quyết định rời bỏ công ty. Tôi tin vào lời hứa ấy và luôn mong muốn em cứng rắn vượt qua được khó khăn và mặc cảm lúc này.

Cuộc gặp gỡ dù là chóng vánh nhưng cũng kéo dài hơn "giao kèo" là 10 phút ban đầu vài ba lần.  Quay về, tôi tự nhủ sẽ lại mời em đi uống cafe nếu có dịp trở lại Tokyo. Hy vọng cafe lần sau này đã bớt được nhiều vị đắng và chát.

Chủ Nhật, tháng 5 11, 2008

Người Việt Nam ... play the BIG GAME?


Thế là hết hai ngày liền chúng tôi rong ruổi trên Tokyo và xuống Shin-Osaka làm Job talk 2008 với các bạn Việt Nam đang sống và làm việc Nhật Bản với mục đích giới thiệu về công ty và mời các bạn ấy cùng chúng tôi "Join the team, kick off the BIG GAME"

BIG GAME chính là mong muốn đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng trên bản đồ trí tuệ IT thế giới.

Tổng cộng thời gian thực hiện cho cả 2 nơi là 10h, với số người tham dự hơn 60 người, chúng tôi thấy có rất nhiều băn khoăn trăn trở. Chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận cơ hội đến gần với Việt Nam như vậy. Nhật Bản đang bước vào thời kỳ "yêu" Việt Nam. Họ sẵn sàng dạy dỗ, đào tạo để chúng ta có thể làm được những việc như họ mong muốn. Là người Việt Nam, là những chuyên gia tham gia trong cuộc chơi bấy lâu, chúng tôi thấy mình cần có trách nhiệm nắm lấy cơ hội này để đưa Việt Nam tiến lên.

Cuộc sống tất bật ở Nhật Bản phần nào làm cho mọi người có những cách xa, những bỡ ngỡ với những gì chúng tôi đang làm. Tuy nhiên, tôi cảm nhận rõ rệt trong tâm tư mỗi người đều mong muốn hướng về đất nước mình, hướng về những gì là cội nguồn, muốn giúp đỡ, muốn chia sẻ với sự khó khăn của đất nước.

Được tiếp xúc với các bạn Việt nam sinh sống, học tập và làm việc xa quê, tôi càng thấy mình có trách nhiệm với cộng đồng, càng mong muốn cháy bỏng có thể liên kết tất cả lại để tạo thành sức mạnh để đưa Việt Nam đi xa hơn trong con mắt của bạn bè thế giới.

Hôm nay, đọc tin Việt Nam có doanh nhân đã mua cho mình một chiếc chuyên cơ riêng với giá 7 triệu USD. Đây là người đầu tiên ở Việt Nam mua được chuyên cơ riêng. Cũng giật mình rằng đất nước mình có nhiều người giàu quá. Hy vọng rằng sự giàu có chính đáng ấy ngày càng được nhân rộng và mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều người Việt Nam nhất.