Tương lai phần mềm tại Việt Nam
Chuyến thăm của Bill Gates, vị chủ tịch tập đoàn Microsoft, người được xem là giàu có nhất thế giới, được rất nhiều báo chí đưa tin coi như một “ngôi sao” vì ông cũng là thần tượng trong lòng bao nhiêu thần dân IT nước Việt. Người ta cũng lăng-xê sự kiện này và coi đây như là một dấu ấn quan trọng của ngành phần mềm vày dịch vụ IT tại Việt Nam. Tuy nhiên, xét cho cùng, chuyến thăm của Bill Gate đa phần là mang tính ngoại giao (do thủ tướng Phan Văn Khải mời từ lần gặp trước tại Mỹ) hơn là vì do bị gây chú ý bởi sự phát triển mà chúng ta cho là “ngoạn mục” của ngành phần mềm Việt Nam. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi chừng 1 tiếng đồng hồ với các doanh nhân làm phần mềm và dịch vụ phần mềm tại Nhà hát lớn cũng chỉ vưà đủ để Bill chia sẻ về định hướng phần mềm của Microsoft, cũng như cơ hội tốt để Microsoft Việt Nam quảng bá cho 2 sản phẩm lớn sẽ ra mắt trong năm tới của hãng, Windows Vista và bộ Microsoft Office 2007. Nói về định hướng trong tương lai về phát triển phần mềm của Microsoft và thế giới, Bill nhấn mạnh sự xoá nhòa ranh giới giưã việc chạy phần mềm trên môi trường điện toán server, trung chuyển hay người dùng cuối và mấu chốt là tăng cường chia sẻ thông tin với chi phí thấp thông qua việc thiết lập các chuẩn dữ liệu thông tin (như công nghệ XML mà Microsoft tiên phong chẳng hạn). Trong bài phát biểu của mình, Bill Gates không dưới 2 lần nhắc đến FPT với vai trò là đối tác chiến lược tại Việt nam của Microsoft Châu Á-Thái Bình Dương và mong muốn được giúp đỡ Việt Nam hơn nữa trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao thông qua các mối quan hệ chiến lược như vậy. Bill Gates đề cao tiềm năng (vâng, lại là tiềm năng) phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam và việc xuất khẩu tại chỗ nhân lực phần mềm(outsourcing) cũng là một trong những hướng đi đúng đắn. Bill còn đề cập đến 2 mô hình phát triển kinh tế có sự đóng góp của công nghệ thông tin là Ấn Độ và Trung Quốc, coi đây là hai mô hình tham khảo và mong muốn Việt Nam sẽ có thể chọn lấy con đường đi kết hợp được điểm tốt nhất của hai nước đó. Theo tôi hiểu thì Bill muốn nói đến nền kinh tế Ấn Độ không cân đối do quá dựa vào IT và xuất khẩu nhân lực phần mềm, còn Trung Quốc thì quá dưạ vào tự lực phát triển, cũng như buông lỏng về vấn nạn bản quyền, đồng thời cũng chưa coi là mũi nhọn kinh tế phát triển của Trung Quốc hiện nay.
Trao đổi về tương lai của phát triển phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tại Việt Nam, Bill Gates nhấn mạnh yếu tố cần thiết là việc phát triển các ngành nghề sản xuất và dịch vụ khác trong nền kinh tế như du lịch, xây dựng, vân vân, coi đó là nền tảng thúc đẩy công nghiệp phát triển phần mềm và dịch vụ IT. Chỉ có như vậy, mới có thể nói đến một tương lai phát triển bền vững của phần mềm Việt Nam. Ngoài ra, Bill cũng còn nhấn mạnh rất nhiều vào giáo dục và coi rằng tiềm năng chỉ có thể trở thành thực sự nếu chúng ta đầu tư vào giáo dục. Ông coi rằng với việc phổ cập internet tại Việt Nam (mà Microsoft cũng sẽ tham gia vào, ví dụ như chương trình oneClick) thì cơ hội của mỗi cá nhân không còn bị khoảng cách địa lý chi phối nữa, mà khoảng cách còn lại duy nhất là việc đầu tư của mỗi người cho giáo dục.
Cảm xúc buổi gặp Bill Gates.
Một buổi chiều thứ 7 nóng nực. Cổng nhà hát lớn chật kín người. Đi qua được cổng bảo vệ kiểm tra ngặt nghèo, các đại diện doanh nghiệp phần mềm bước vào trong hội trường của Nhà hát lớn, chẳng mấy chốc mà đã chật cứng người. Video clip về các công nghệ mới trên nền tảng Microsoft được bật lên, chạy đi, tua lại mấy lần. Tất cả cùng chờ đợi. Nhiều người bắt đầu trở nên mệt mỏi vì chờ đợi.
Tuy nhiên, dù là đầu tư cho phần mềm hay phần cứng cũng phải rất linh hoạt và tiết kiệm để có hiệu quả cao. Nếu như chi phí cho việc sở hữu máy tính còn là lớn ở Việt Nam thì phần mềm ngày nay đã giúp chia sẻ, tăng hiệu năng phần cứng sẵn có. Ví dụ như cùng một máy tính ở thư viện chẳng hạn và mỗi người chỉ cần mang một ổ flash USB để làm việc. Hoặc như Microsoft cũng luôn chuyển biến cùng nhịp với sự phát triển nhanh chóng của phần cứng, giúp cho doanh nhân làm việc và truy cập bất cứ đâu thông qua điện thoại di động trên nền tảng Windows Mobile.
Buổi gặp gỡ kết thúc, nhưng còn nhiều điều còn phải suy ngẫm về tương lai của công ngành công nghệ phần mềm trong nước và thế giới. Hy vọng còn có nhiều dịp để giới phần mềm Việt Nam trao đổi và chia sẻ trực tiếp với những con người thành công lớn trong lĩnh vực này trên thế giới, những người đã và đang đặt những cột mốc lớn trong ngành công nghiệp tri thức này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét