Bình thường thì tôi chẳng mảy may quan tâm lắm đến chính trị.
Ở Việt Nam cũng thế và sang Nhật thì càng như vậy.
Nhưng hôm nay, vì chân ướt chân ráo đặt chân vào cái xã hội này cũng phải xem qua nó có gì ở bộ mặt thượng tầng kiến trúc quyền lực đó.
Cuộc chiến ấy diễn ra hôm nay. Mai sẽ biết kế quả. Đất nước này đang quyết định:
1. Taro Aso - đại diện LDP (Đảng dân chủ tự do: Liberal Democratic Party), đảng nắm quyền suốt 50 năm nay.
2. Yukio Hatoyama - đại diện DPJ (Đảng dân chủ Nhật Bản: Democratic Party of Japan), đảng chưa từng nắm quyền suốt 50 năm qua :D
Năm nay, thế giới đổi thay nhiều. Khủng hoảng toàn cầu một cách sâu sắc mà bao nhiêu học giả tốn giấy mực viết về nó, dự đoán về tương lai (mà chẳng riêng học giả, tôi cũng tốn tương đối tiền điện và internet để kỳ cạch gõ bao nhiêu bài viết nhận định về 1 sự đổi thay công việc chính mình). Kinh tế lan sang tâm lý. Tâm lý đòi hỏi đổi thay chính trị để phản ánh cái ước vọng đơn giản thôi. Thay đổi!
Và luôn luôn có những người đặt cược vào sự đổi thay đó. Tôi và gia đình mình cũng vậy. Tôi muốn nghỉ việc, muốn thay đổi thực sự từ gốc rễ những gì mình đang làm và đang có suốt 10 năm qua. Thực tế tôi cũng đang phải đứng trước rất nhiều quyết định cho nhiều sự đổi thay đó.
Quay về Nhật Bản và quyết định chính trị của họ. Cũng sẽ có những đặt cược nhất định vào sự thắng lợi của 1 trong 2 người trên. Hãy quan sát 2 người đó. Những con người của 1 đất nước vừa bảo thủ vừa tiên tiến số 1 thế giới sẽ chọn gì giữa 2 gương mặt:
Also- hơi già (69 tuổi) nhưng
+ Vốn là nhà công nghiệp và chính trị ưu tú
... vốn từng du học ở Mỹ.
... vốn là cựu sinh viên một trường đại học nổi tiếng ở Mỹ (Stanford)
... vốn có ông nội từng là thủ tướng.
... vốn có 1 gia đình quyền thế, sáng lập cả 1 tập đoàn công nghiệp lớn (Aso Cement/ Aso Mining Corp).
Hatoyama- hơi trẻ hơn (62 tuổi) mà cũng
+ Vốn là nhà công nghiệp và chính trị ưu tú
... vốn từng du học ở Mỹ.
... vốn là cựu sinh viên một trường đại học nổi tiếng ở Mỹ (Stanford)
... vốn có ông nội từng là thủ tướng.
... vốn có 1 gia đình quyền thế, sáng lập cả 1 tập đoàn công nghiệp lớn (Bridgestone).
Nếu đánh cược thủ tướng tương lai của Nhật là người thế nào tôi sẽ cược toàn bộ gia sản mình đang có cho một người:
+ Vốn là nhà công nghiệp và chính trị ưu tú
... vốn từng du học ở Mỹ.
... vốn là cựu sinh viên một trường đại học nổi tiếng ở Mỹ (Stanford)
... vốn có ông nội từng là thủ tướng.
... vốn có 1 gia đình quyền thế, sáng lập cả 1 tập đoàn công nghiệp lớn.
Đấy. Nếu khéo lựa chọn, người ta có thể đánh cược tất cả vào một cuộc chơi lớn như thế mà chẳng lo gì.
Aso lên cầm quyền, gặp lúc rối ren, cho không tôi được 12000 Yên tiền chi tiêu kích cầu đầu năm 2009.
Hatoyama, sinh ngày 11-2-1947 (hơn Chip nhà tôi đúng 60 năm chẵn, tròn đến cả ngày), nếu lên có cho Chip (và tôi) tiền chi tiêu kích cầu gì nữa không nhỉ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét