Chủ Nhật, tháng 11 22, 2009

10 năm FSOFT, xin một lần được từ chối (phần 2).




2 Làm việc với Nhật

Cái này như duyên số vậy. 2004 và 2005 cũng là 1 trong những năm khó khăn. Cuối 2004, đầu 2005, khách hàng Nissen làm với G8 suýt chết, họ “chửi” FSOFT nhiều lắm. Việc cũng hết nữa. G1 muốn phát triển, tôi lơ ngơ tìm thêm việc Nhật theo chủ trương của anh Nam (dịch vụ 5 sao và nhà nhà đánh Nhật, kể cả nhóm non-Japan như G1). Thế quái nào thành nhận lời chuyển thẳng sang làm PM các dự án của G8.Nissen luôn. Tuy nhiên, tôi cũng mang một phần văn hóa D2 xuống G8 tự do, vui vẻ và work hard, play hard.

Tôi thích học ngoại ngữ từ bé. Bố tôi cũng khuyến khích tôi đi học thêm ngọai ngữ rất nhiều. Bằng A-B-C-D-E các thứ tiếng thì tôi có nhiều lắm. Tiếng Anh, tiếng Pháp, Nhật đủ cả. Ngoài ra, cứ 3 tháng nghỉ hè thì bố tôi dạy kèm tôi (và bà chị ruột) tiếng Nga. Khi ở Đại Học, tôi cũng có 2 ngoại ngữ, chính tiếng Anh, phụ tiếng Pháp. Tôi lại còn theo lớp học thêm tiếng Nhật ở trung tâm chỗ Núi Trúc (cũng đủ xóa mù 4kyu). Bây giờ thì ngòai tiếng Anh là ngấm sâu nhất, ít dùng nên cũng vơi mất nhiều nhưng tạm đủ vốn sống, còn lại đều mai một gần hết. Nghĩ cũng tiếc.

Làm với Nhật, tôi thích ngay cách phân tích dữ liệu và báo cáo chi tiết xanh đỏ tím vàng rất trực quan, rất hình ảnh và đẹp mắt của họ. Với tôi lúc đó, thế là nhất. Càng làm, càng học nhiều, tôi càng thấy yêu thích văn hóa Nhật, yêu con người Nhật kín đáo, hiền hòa. Được đến Nhật, tôi yêu luôn cả nước Nhật sạch sẽ, thanh bình. Có thể hồ đồ nhưng đến giờ tôi tạm hiểu thế nào là wabi-sabi và tự cho rằng mình đôi khi cảm nhận vẻ đẹp đó thì phải.

Khi ở G8, tuy chỉ làm PM các dự án Nissen, tôi nhiều bức xúc cách làm, cách thức điều động nhân lực ngắn hạn ở FSOFT (cấu người chỗ đang training chưa có việc nhét sang chỗ có việc), đến mức mâu thuẫn tương đối lớn với cấp trên trong một lần checkpoint. Tiếp xúc và hiểu hơn về business cũng như mong muốn của khách hàng Nissen, tôi muốn phát triển business của FSOFT cùng với khách hàng Nissen.

FSOFT trên đà phát triển chung, quyết định phải có nhiều đơn vị sản xuất, chuyên biệt, tự chủ để phục vụ khách hàng thì mới hiểu nghiệp vụ của họ và nâng tầm dịch vụ lên cao hơn. Một năm sau khi tôi về với G8, năm 2006, G13 ra đời đi đôi với bước nhảy vọt về doanh số và số người. Tôi được đề nghị trở thành GL. Tôi nhận lời. Ít ai để ý nhưng lúc đó tôi trẻ nhất trong số các GL của FSOFT, GL đầu tiên của FSOFT dưới 30 tuổi. Sau này thì nhiều GL trẻ hơn, xuất sắc hơn rồi.

Năm 2006, sau 7 năm làm việc ở FPT & FSOFT, tôi vẫn là tôi như vậy. Cổ phiếu mà nói, dù là tép riu nhất trong lứa những nhân viên quản lý bậc 3 – 4 ở FPT khi đó, tôi cũng bỗng chốc có cảm giác thành một triệu phú ảo (tiền đô).

Tôi vẫn làm việc chăm chỉ không bán cổ phiếu, mua nhà cửa, xe hơi gì cả, thậm chí bỏ cả tỷ đồng dành dụm để mua cổ phiếu FSOFT vào. Vì tôi tin rằng FSOFT là mái nhà, là lựa chọn đúng cho tôi.

Thời gian đó, lên xuống cùng G13, tôi được khen có, bị chửi có, và bị kiện cáo rùm beng cũng có cho đến hết năm 2007.

FSOFT vẫn phát triển, tôi được giao làm phó giám đốc chi nhánh FSOFT Hà Nội, phụ trách kinh doanh. Đương nhiên tăng thêm 2 bậc lương (nhưng không đáng kể nữa rồi phải không?) Tôi cũng nhận lời.

Cuối 2007, anh Nam, chị Liên thuyết phục tôi sang Nhật, làm đại diện lâu dài ở Osaka. Sau vài tháng suy nghĩ tôi đồng ý vì 1 thách thức mới, 1 cơ hội mới để học hỏi, kiếm nhiều việc hơn về cho FSOFT, cũng vì được tham gia vào cái mà anh Nam gọi là “sự thay đổi căn bản” của FSOFT ở thị trường Nhật.

Tại FPT Japan, trong vòng hơn 1 năm rưỡi, tôi được bổ nhiệm là trưởng đại diện Osaka, rồi tiếp đó là trưởng phòng kinh doanh FPT Japan, phó giám đốc FPT Japan và thành viên hội đồng quản trị FPT Japan. Chức đè chết người. Nhưng tôi đều nhận lời, không từ chối dù không biết mình có làm tròn được không. Có thể nghĩ thế này thế nọ, nhưng tôi không hổ thẹn vì mình đã làm hết mình, không chỉ cho riêng bản thân mình mà cho nhiều người khác xung quanh mình.

Vậy là suốt thời gian với FSOFT tôi không hề từ chối bất cứ công việc khó , dễ hay chức danh lớn , bé nào đựợc giao và thực tâm đều nỗ lực hết sức mình để hoàn thành công việc đó.

Làm nghề sales chuyên nghiệp cũng có nhiều cái hay, cái vui và đương nhiên chuyện buồn và vất vả nữa chứ. Tôi đeo bám thành công xong dự án NINA, dự án giá trị 1.4M USD và lớn nhất ở thị trường Nhật của FSOFT đến giờ (2009). Những tưởng tiếp tục cắm cúi kiếm ăn thêm để nhân 2 lần doanh số triệu đô đấy từ dự án này (cũng thấy vài phỏm thấp thỏm rồi) thì đùng một cái tôi được yêu cầu về làm PM cho dự án vì operation ở nhà có vấn đề lớn, không ai giải quyết và cũng không có ai tai to mặt lớn muốn đứng ra bắt tay vào làm thực sự cả (chắc giàu rồi, muốn nhàn hơn hoặc FSOFT đâu đó có phỏm nhiều tiền hơn, đáng quan tâm hơn). Tôi được khách hàng nhét vào đầu rất nhiều lần rằng, không chỉ dự án lần này nhiều tiền mà còn là con bài chiến lược để mở ra nhiều dự án như thế cho FSOFT và cho cả Việt Nam đấy. Quan tâm đi. Nói nhiều quá, thành ra mình cũng nghĩ đúng như vậy. Có thể tôi đã nghĩ sai về sự nỗ lực của các tầng tầng lớp lớp quản lý ở FSOFT VN bấy giờ, nhưng lần đầu tiên tôi đã không nhận lời ngay mà ra điều kiện riêng của mình để về làm PM. Điều kiện về lương, tôi đưa ra cao đấy, ở Việt Nam mà lĩnh lương kiểu FPT Nhật Bản(tất nhiên cũng chẳng so bì với lương mấy bác Nhật làm gì). Điều kiện được chấp nhận khá dễ dàng. Tôi cũng giữ lời hứa, từ bỏ tất cả các chức danh nghe quá to tát kia, rồng rắn kéo cả gia đình về Việt Nam làm PM. Thú thật, cũng không rất vui vẻ gì để từ bỏ giữa chừng quay về cho đến khi ngồi cùng với dự án từ sáng đến tối. Tôi lại thấy sướng vì được làm việc quen thuộc khi xưa, lại được sát cánh với nhiều chiến hữu lập trình viên. Tôi muốn hỗ trợ dự án NINA tốt nhất.

(phần 3)

4 nhận xét:

  1. Nặc danh12:37 CH

    Rat an tuong. Anh dang not phan 3 len di anh.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh4:15 SA

    Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh4:20 SA

    Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh4:22 SA

    Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa