Thứ Sáu, tháng 7 31, 2009

[Archived] Văn hóa FPT, tầm nhìn và cảm nhận thực tiễn.


Tháng 8 năm 2003, cách đây tròn 6 năm, tôi hưởng ứng phong trào sử ký sâu rộng của FPT, viết ra một thứ như dưới đây. Nhớ không nhầm thì tránh bị tịch thu 2 tháng lương nhưng kể ra cũng thích viết từ hồi đấy rồi.

=====

Văn hóa FPT, tầm nhìn và cảm nhận thực tiễn.

(Triết lý)

Definitions, acronyms and abbreviations

Glossary

Note

Đại từ trừu mến để gọi thay công ty FPT nói chung cho tiện đôi lúc

Bộ phận

Ví dụ như tay, chân , đầu, mắt,mũi, etc đại diện cho các bộ phận khinh doanh, các công ty thành viên.

Tế bào

Ám từ chỉ các nhân viên trong công ty

ISO

International Standard Organization

CMM 4, 5

Capability Maturity Model 4,5


Xét về khía cạnh nhân chủng học, nếu coi FPT là một cậu con trai cưng của đất Việt như những gì các sếp hay nói thì đến nay nó đã 15 tuổi, cái tuổi “dậy thì”, tuổi yêu đương lẫn lộn, cái gì cũng dở dở ương ương. Cũng như một con người, nó có ước mơ to lớn lắm, và ước mơ đó cháy bỏng đến mức không lúc nào nó không nghĩ đến, không lúc nào mà nó ngớt mồm nói đến, chẳng khác gì chuyện con nít đòi quà thưởng của bố mẹ khi được điểm mười. Ở vào cái tuổi đang lớn, nó cũng đòi quyền được ăn, được mặc như những con cái của gia đình khá giả khác (các công ty con con ở Tây Âu, Bắc Mỹ hay các branches của các tập đoàn gia công nghiệp Nhật Bản). Được cái tốt là nó biết nhìn và thức thời. Fsoft có lẽ chính là một con ngươi bên trái, một bán cầu não phải, giúp nó có được năng lực đó. Năm nay, nó nói nhiều đến văn hóa hơn những năm khác chắc hẳn là có sự chuyển đổi từ lượng sang chất trong cơ thể nó đây. Mới 15 năm tuổi thì hẳn văn hóa của nó không thể dùng các định nghĩa cao siêu như trong sách tham khảo “Cơ sở văn hoá Việt nam” của giáo sư Trần Ngọc Thêm mà anh DạtPP giới thiệu được (giáo trình này tôi đã học ở trường đại học, môn văn hóa học đại cương). Nhưng triết lý về nền “văn hóa công ty” mà giới lãnh đạo công ty hay nhắc tới là nghe có vẻ thích hợp nhất nhưng kể ra cũng không nên lạm bàn ở đây vì tôi không hề rành rọt về khía cạnh này bằng các vị ấy. Tuy nhiên, một điều mà bất cứ tế bào nào của cơ thể nó cũng có thể nhận ra được là sự tồn tại một thứ giá trị vô hình nào đó khác biệt hoàn toàn với lương lĩnh hàng tháng và thưởng lĩnh hàng quý. Đã là vô hình thì cũng không cần phải bàn nhiều đến chuyện hay và dở vì môn này cũng chẳng khác gì mấy thầy bói mù xem voi. Trong thời gian làm việc ở FSoft gần 4 năm qua, tôi cũng đă được đọc nhiều nghe nhiều về những chuyện bình phẩm như vậy.Bản thân tôi cũng nhiều khi nhắm tịt mắt lại và làm thầy bói nhưng cuối cùng thì cũng chẳng thấy quan niệm của mình biến chuyển gì cả, vẫn chỉ là một cảm nhận như vậy, rõ rệt nhưng rất chung chung, chung chung nhưng lại không giống ai cả. Duy có một điều mà tôi nghĩ mãi không ra, đó là cái bia đá vision của công ty to tướng ở trước tiền sảnh HO Láng Hạ thể hiện thế nào trong thực tiễn hoạt động công ty. Có ai dám đảm bảo là tất cả tế bào của cái cơ thể nở nang đang lớn này đã, đang và sẽ được nuôi dưỡng đầy đủ cả về mặt “vật chất và tinh thần” chưa? Cứ nói chuyện của riêng “con ngươi bên trái và nảo bộ bên phải” (tức FSoft) thôi thì cũng đủ thấy khó có thể rút ra được kết luận gì thuyết phục. Tuy nhiên, ở góc độ chủ quan, chính cái vô hình mờ mờ tỏ tỏ hết sức chung chung đấy đã góp lên động lực để bao nhiêu thế hệ tế bào lao động hăng say, tự nuôi dưỡng mình và nuôi dưỡng cả cái cơ thể 15 tuổi này, hy vọng một ngày kia, nó có thể bứt khỏi kiếp sống “khốn nạn” (hán nôm, chỉ sự “nghèo khó”, theo viện sỹ Stico Nguyễn Thành Nam) để sống cho ra sống, chí ít cũng được như mấy thằng Tây bạn nó, hay như trong lý thuyết Tây học mà tôi từng được nghe lỏm được là Self-Esteem (“tự ngưỡng mộ”) hay Self-Actualization (nôm na là “tự sướng”). Nó (công ty FPT) sinh ra trong thòi kỳ đầu đổi mới, có khó khăn chút đỉnh nhưng cũng vẫn đủ ăn, đến giờ thì đã có thể nói là khá béo tốt. Nó béo không phải do thừa lipit mà là “béo khỏe, béo đẹp, béo thể thao”, kiểu như Hoàng Nam Tiến, không ai mà không biết. Múp míp khỏe mạnh rồi thì nó nhận thấy cần phải tẩm bổ về mặt tinh thần, mặt văn hóa, mặt vô hình của riêng nó. Lý do thì đơn giản nhưng cũng có vài bài trong giới báo chí mang ra mổ xẻ , phân tích theo kiểu độc mồm, đại ý là “rửng mỡ” hay “nhàn cư vi bất thiện”. Tuy nhiên, với tư cách là một tế bào, tôi nghĩ, cái sợi dây “văn hóa” vô hình này bây giờ hình như đang được đẩy lên mạnh mẽ với các kiểu phong trào văn nghệ, thể thao. Phía đoàn thể thì có việc để báo cáo nhân dịp nó sinh nhật 15 năm, phía sản xuất thì muốn bù đắp cho các tế bào rệu rã vì chạy hết tốc lực suốt mấy năm qua, phía kinh doanh marketing thì muốn làm nên sự khác biệt “ấn tượng” (chủ đề năm 2002) với lũ trẻ trong xóm (Việt nam và các nước Á châu lâu nhâu xung quanh), phía nhân sự thì dùng như mồi để nhử lũ tế bào hậu sinh đang nằm trong trứng nước, không chịu chui ra lao động. Duy có giới lãnh đạo, thoát ẩn, thoát hiện, vừa hư hư thực thực, nói chung không hiểu có mục đích gì nhưng có kẻ nói là để “ăn năn, sám hối”. Nếu như mà nó tiêu hóa xong được món “văn hóa” vô hình này thì nó mới có cơ hội lớn lên được, và như thế thì nó lại cần ăn nhiều hơn. Mà thôi, đời là một vòng quay luẩn quẩn, ăn nhiều thì phải lớn, lớn rồi thì lại phải ăn mà ăn xong, no bụng thì cần phải “văn hóa” ,vẽ chuyện làm gì.

Trên đây, các bạn đã thấy tôi nói rất nhiều về “văn hóa” nội quan trong cơ thể FPT, về tính “vô hình” của “văn hóa”. Ở góc độ CMM 4, 5 và ISO mà tế bào tôi có điều kiện tham gia chút xíu ở FSoft, tôi cảm nhận được có nhiều vị muốn lượng hóa tất cả, muốn quantify cả “văn hóa” nữa. Ở khía cạnh này văn hóa FPT xem ra lại là hữu hình, vì rõ ràng là ra cơm, ra gạo được, thật gần gũi như hai tháng lương vậy. Chuyện này tôi chưa có dịp mang ra tranh luận với anh Râu (tên thật là Lê Thế Hùng) vì khi gặp anh nếu không chuyện dự án thì cũng lại là “ván cờ tập thể” (nhân dân FSoft sau giải cờ giỗ tổ 2003 thì có lệ buổi trưa ra caféteria đánh cờ tướng). Không hiểu anh Râu có thể xây dựng được một chỉ số Norm nào đó ở các cấp độ từ dự án đến mức bộ phận, công ty để đo và kiểm soát không nhỉ. Được vậy thì khi kết thúc dự án, các tế bào sẽ biết ngay chỉ số văn hóa mình cao bao nhiêu, khỏi phải tính toán mà cũng không hổ thẹn khi sau này có xin việc ở đâu thì còn biết điền vào mục “trình độ văn hóa” trong CV.

Viện sỹ Nguyễn Thành Nam thường đề cao sự sáng tạo trong “văn hóa” cũng như hồi bao cấp, các giám đốc nhà máy yêu cầu công nhân phải sáng tạo trong lao động, phải mang lại nhiều cải tiến kỹ thuật hay cô giáo chỉ luôn phê học bạ tốt cho trò có tính sáng tạo. Có vẻ như anh đã nói đúng, giống hệt như bao giới chức lãnh đạo khác, sáng tạo chính là cốt lõi của văn hóa của FPT, của cái cơ thể tuổi 15 khỏe mạnh. Một lần nữa, tôi lại thấy mơ hồ, lại muốn tìm hiểu xem định nghĩa sáng tạo trong văn hóa ở FPT là gì vậy. Nhưng thôi, chủ đề này chắc phải đợi cơ hội khác, lúc nào phải viết sử ký thì sẽ nghĩ tiếp, lo gì. Túm lại, con người là phải có mục đích nhất định, nếu đã đạt được rồi thì cũng nên nghĩ tới những mục đích khác, đừng tự thỏa mãn. Sự sáng tạo văn hóa của tôi trong suốt tiếng rưỡi qua, chắc chắn không hoài công, bảo đảm cho tôi cái mặt vật chất tầm thường không tiện nói lắm.

Để kết thúc, tôi xin trở lại cái nhìn nhân chủng học, cái nhìn tương đối trần trụi nhưng chân thật về nó, một công ty 15 tuổi hồn nhiên nhưng cũng nhiều toan tính lớn. Nó có quyền tự hào vì nó có văn hóa đậm chất sáng tạo. Không hiểu nó có sáng tạo được điều nó mơ ước với cái vốn văn hóa khác biệt đó không nhỉ?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét