Theme: “Software the matters” by IT Pro
Chia sẻ của giáo sư Robert E. Cole, đại học California, Berkeley
Nhật Bản dường như có một ngành công nghiệp phần mềm sôi động; Tính về doanh số ngành công nghiệp phần mềm, Nhật cạnh tranh với Đức cho vị trí số 2 trên toàn cầu chỉ sau Hoa Kỳ. Công ty Nhật Bản cũng chứng minh có năng lực quy trình vững vàng trong phát triển phần mềm. Nhưng trên thực tế thì cái gì thực sự có ý nghĩa, nếu xét về điều kiện phù hợp cho những đột phát về phần mềm đỉnh cao, hướng tới tạo dựng được các sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh cấp độ toàn cầu?
Lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản đã quá chậm chạp nhận ra bản chất sự chuyển dịch sang hướng phần mềm (“chuyển dịch mềm”). Sự thành công của sản xuất Nhật Bản trong quá khứ kết hợp với một hệ tư tưởng làm “thủ công” monozukuri đã hạ thấp vai trò của phần mềm, chỉ dừng ở mức nhận biết nhu cầu phần mềm như là một trình điều khiển phần cứng để có được các chức năng mới, tạo giá trị gia tăng và sự khác biệt mà thôi.
Chắc chắn một điều rằng, ngay cả các thị trường tài chính Mỹ cũng mất một thời gian dài để nhận ra tiềm năng của ngành công nghiệp phần mềm. Marc Andreessen, người sáng lập của Netscape và cũng là nhà đầu tư mạo hiểm rất thành công, từng nêu bật bản chất sự “chuyển dịch mềm” của ngành công nghiệp này trong một bài viết được chia sẻ rộng rãi trong một số báo trên Wall Street ngày 20/08/2011. Ông đăt tiêu đề bài viết, "Tại sao phần mềm đang ăn cả thế giới."
Ông chỉ ra rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp và các ngành công nghiệp dựa trên phần mềm nhằm cung cấp dịch vụ trực tuyến như phim ảnh, thậm chí cả nông sản hay trang thiết bị quốc phòng. Động lực cho chuyển dịch này là sự ra đời của các doanh nghiệp điển hình kiểu thung lũng Silicon Valley, ngày càng lan rộng, đảo lộn toàn bộ cơ cấu các ngành công nghiệp truyền thống.
Amazon, kẻ được coi là đại diện cấp tiến của dịch chuyển này, tạo cốt lõi phần mềm cho mình với mục tiêu duy nhất là thể bán được hầu như tất cả mọi thứ trên mạng. Tương tự như vậy, điện thoại di động và nhiếp ảnh cũng đã chuyển biến dần thành ngành công nghiệp phần mềm. Hầu hết các ngành công nghiệp "nguyên thủy" như làm đồ nội thất sản xuất ngày càng phụ thuộc vào phần mềm để đánh giá xu hướng của người tiêu dùng, thiết kế, xây dựng và cung cấp sản phẩm của mình một cách kịp thời. Logistics và phân phối đang ngày càng trở thành một ngành công nghiệp bị chi phối bởi phần mềm và không cần phải nói gì cũng hiểu, ngành công nghiệp ô tô cũng đang nhanh chóng dịch chuyển theo hướng này. Google hiện đang thống trị ngành công nghiệp tiếp thị bán lẻ ở Hoa Kỳ. Không thể tưởng tượng được các ngành công nghiệp dịch vụ tài chính hiện nay mà thiếu vắng sự chi phối của phần mềm sẽ thế nào.
Không có ngành công nghiệp truyền thống nào miễn dịch được với xu thế phát triển trên! Mô hình kinh doanh hình thành trước đây dần bị xóa sổ vì chúng thường không điều chỉnh kịp với các tay chơi mới gia nhập thị trường. Các hãng hàng không hiện giờ có lẽ chỉ phân biệt mình với các đối thủ bởi những tính năng phần mềm của họ, thứ đã giúp tạo nên độ biến thiên của giá vé cực lớn cũng như khả năng để tối ưu hóa các tuyến đường hay tăng được hiệu suất chuyên chở.
Tại Hoa Kỳ, những xu thế phát triển ấy bao trùm mọi thảo luận kinh doanh. Chuyên gia phần mềm được tiến cử vào vị trí nắm quyền lực và có ảnh hưởng lớn. Tháng Tám năm 2016, GE đưa hai giám đốc điều hành CNTT hàng đầu lên nắm quyền lực cao nhất công ty. CIO ngày nay được quyền tiếp cận tới vị trí điều hành cao cấp để có thể tập trung vào việc sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và các mô hình kinh doanh mới, không chỉ còn đơn thuần là để giảm chi phí như trong quá khứ. Những công ty phần mềm thành công được ca ngợi là nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa. Điều này thu hút các sinh viên đại học tốt nhất và sáng nhất cho sự nghiệp CNTT. Vậy mà xu thế phổ biến ở Hoa Kỳ này lại chưa hiện diện tại Nhật Bản.
Mỹ có thuận lợi lớn, Andreessen lập luận, do vốn có sẵn các cở sở nghiên cứu lớn trong trường đại học, gắn bên trên một văn hóa kinh doanh chấp nhận rủi ro, cộng thêm một lượng lớn tài chính dành cho đổi mới được đi kèm với các hệ thống luật pháp tin cậy về hợp đồng và kinh doanh. Khi Andreessen viết bài báo của mình, luận điểm trên còn có đôi người cho là chưa đáng tin cậy; còn giờ đây, chỉ mới khoảng 5 năm sau, nó được công nhận rộng rãi không khác lời sấm truyền.
Trong các công ty Nhật Bản, các chuyên gia phần mềm cao cấp nhất thường ghánh trọng trách mảng việc gia công phần mềm. Các quyết định liên quan đến chiến lược và mua sắm phần mềm thường được giao cho các công ty chuyên kinh doanh CNTT, vốn đã tồn tại từ thập niên 90 để giảm chi phí. Những quyết định đẩy công việc phần mềm ra ngoài do chủ yếu không nhận ra phần mềm đang trở thành cốt lõi kinh doanh của công ty. Điều này hàm ý rằng các công ty mẹ sẽ chỉ duy trì mức năng lực phần mềm tự thân mình thật khiêm tốn nhất, vùa đủ khả năng đánh giá mua sắm phần mềm nào theo hướng lợi ích nhất cho công ty mẹ mà thôi.
Trong bảng xếp hạng toàn cầu các khoa CNTT ở các trường đại học Nhật Bản, thậm chí không nằm tốp trên cùng của bảng xếp hạng nhóm các quốc gia châu Á. Ngay cả trong các ngành công nghiệp ô tô, nơi mà Nhật Bản có vị trí cạnh tranh tương đối trên toàn cầu, thì vai trò ngày càng tăng của phần mềm lại chỉ đưa các công ty lớn của Nhật như Toyota đến hợp tác với các trường đại học danh tiếng của Mỹ như, MIT, Stanford và Đại học Michigan, nhằm tiếp cận các nền tảng IT mới hay trí tuệ nhân tạo. Cuối cùng, không giống như Hàn Quốc, CEO Nhật Bản còn quá kiệm lời mà không đề cập đến tầm quan trọng của phần mềm tới sự sống còn trong tương lai ở các công ty họ điều hành.
Liệu đội ngũ làm CNTT Nhật đang được triển khai theo cách thức có thể góp phần vào sự chuyển dịch mềm hay không? Cơ quan xúc tiến Công nghệ thông tin (IPA), một công ty con của METI, đưa ra báo cáo rằng khoảng 75% nhân viên kỹ thuật CNTT của Nhật Bản là quân số của các công ty dịch vụ chuyên ngành CNTT ( các công ty tích hợp hệ thống lớn và các công ty thầu phụ, thường được nhắc tới như các nhà máy phần mềm). Tại hầu hết các công ty này, số lượng cơ hội cho việc tạo ra các sản phẩm phần mềm sáng tạo để cung cấp dịch vụ cho quảng đại quần chúng thì còn quá hạn chế.
IPA cũng chỉ ra rằng, việc điều phối các nhân viên kỹ thuật CNTT của Nhật gần như đảo ngược với Mỹ. Ở Mỹ, 29% nhân lực kỹ thuật CNTT nằm tại các công ty dịch vụ chuyên ngành IT, phần còn lại 71% thì nằm ngay trong các công ty kinh doanh, gồm cả các công ty khởi nghiệp. Điều đó có nghĩa là nhân lực phần mềm ở Mỹ được đặt vào vị trí thuận lời để tạo dựng nhiều phát kiến trong phần mềm.
Đúng là Nhật Bản đang đứng thứ 2 hay thứ 3 trên toàn cầu về quy mô ngành công nghiệp phần mềm và có hạ tầng CNTT cộng với năng lực quy trình tốt là điều không còn gì phải bàn cãi nữa. Tuy nhiên, chúng ta phải tự hỏi, điều này liệu có ý nghĩa cho việc sự chuyển dịch mềm và tác động tới lợi thế cạnh tranh toàn cầu về sản phẩm và dịch vụ hay không?
Các điều tra chọn lọc từ các bảng xếp hạng quốc gia công bố bởi Diễn đàn kinh tế thế giới trong Báo cáo CNTT toàn cầu năm 2015 tiết lộ rằng Nhật Bản đứng thứ 25 về vốn; thứ 20 về tầm quan trọng của CNTT trong định hướng của Chính Phủ; thứ 27 về mức độ thành công của chính phủ trong việc thúc đẩy CNTT; thứ 14 về tác động của CNTT tới các dịch vụ và sản phẩm mới; thứ 39 về tác động của CNTT lên mô hình tổ chức mới; thứ 63 về việc tỷ lện % nhân lực có kiến thức chuyên ngành; thứ 24 về tác động của CNTT tới việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản; và cuối cùng là thứ 25 về việc hiệu quả sử dụng và quản trị CNTT.
Tóm lại, chúng ta thấy rằng Nhật Bản là một nền kinh tế hàm chứa một tiềm năng rất lớn cho sự đổi mới phần mềm, nhưng thiếu chút xíu về cách thực hiện và tối ưu hóa tiềm năng đó để tạo ra sự chuyển dịch mềm nhắm tới sản phẩm và dịch vụ có tính cạnh tranh cao hơn trên quy mô toàn cầu.
Ghi chú ngắn của tôi lần này chủ yếu về lý do tại sao Nhật Bản đã không thể có được kết quả từ những gì nó có. Tôi sẽ tiếp tục tiết lộ những gì tôi nghĩ. Những gì tôi mong đợi là sẽ có nhiều thảo luận hơn về vấn đề này bởi chính các bạn Nhật Bản. Xin vui lòng gửi những suy nghĩ của bạn để đội biên tập ITPro tại Nikkei BP.